Bạn đọc thân mến,

Vài ngày trước chúng tôi đã có dịp gửi đến các bạn phiên bản tiếng Việt của một trong những bài viết hay nhất về Bitcoin từ trước đến nay được viết bởi Marc Andreessen (dịch bởi Nguyễn Hoàng Huy), người đã nhận ra được tiềm năng của Internet vào những năm đầu thập kỉ 90, và đã trở thành một doanh nhân rất thành công về lĩnh vực công nghệ nhờ tầm nhìn của anh.

Trong bài viết đó Andreessen đã có một cảm giác tương tự dành cho công nghệ Bitcoin trong những năm tháng đầu của nó, cái chúng ta đang trải nghiệm hiện nay – một công nghệ mà không còn nghi ngờ gì nữa sẽ thay đổi thế giới mãi mãi, giống như sự phát minh ra Internet hay máy tính cá nhân đã làm trước đây. Và cũng giống như tất cả những cuộc cách mạng trong công nghệ trước đây, nó sẽ giải phóng được một tiềm năng khổng lồ cho sự phát triển kinh tế bởi những ưu thế và sự tiện lợi trong việc chuyển gửi tài sản, giá trị từ nơi này đến nơi khác mà không cần một cơ quan trung gian để gửi gắm tin tưởng (và đây chỉ là mới bắt đầu). Như một hệ quả, Andreessen đã đầu tư nhiều triệu đô la vào một công ty startup tại Mỹ hồi mùa thu năm 2013, Coinbase, hiện đang có khoảng một triệu khách hàng, tốc độ phát triển tăng gần 2% mỗi tuần.

Đáng tiếc thay, Bitcoin hiện vẫn còn nhận được những bài tường trình khá tiêu cực từ truyền thông đại chúng (điều này đang thay đổi theo chiều hướng tích cực ở những xã hội phát triển chẳng hạn như Mỹ, Đức… vì những nước này ngay từ đầu cũng đã có những cái nhìn tiêu cực về Bitcoin), hầu hết các quốc gia khác trên thế giới cũng đang rất phân vân và thận trọng trong việc tiếp xúc với Bitcoin, dẫn đến tốc độ phát triển của nền kinh tế Bitcoin bị kiềm kẹp, và các doanh nhân phải bị đẩy sang những nước khác có quan điểm thân thiện hơn.

Những quan điểm tiêu cực của hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới ít hay nhiều gì cũng có thể hiểu được vì những kiến thức phiến diện, thiếu sót họ nhận được về Bitcoin: tội phạm, trốn thuế, chợ đen, thuốc phiện, khủng bố… – rất nhiều những đặc tính này cũng đã từng được dùng để mô tả Internet những năm đầu thập niên 90. Ngày nay, nhiều doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, những người đã thay đổi thế giới này mãi mãi với tinh thần sáng tạo, những ước mơ và ý tưởng của họ. Họ đã xây dựng lên được những công ty có giá trị nhất và được biết đến nhiều nhất khắp thế giới, đóng một vai trò chính yếu trong một thế giới của tất cả những người dùng bình dân ngày nay: Google, Youtube, Yahoo, Facebook, WordPress, Blogspot… Một vài cái tên có thể được kể đến.

Lịch sử lặp lại chính nó?

Tác giả viết ra những dòng này, người đã đào sâu vào cái “hang thỏ” có tên Bitcoin hơn 12 tháng vừa qua, đã từng tới tham dự nhiều buổi hội thảo Bitcoin quốc tế cũng như những buổi gặp gỡ trao đổi địa phương – về đời sống riêng tư thì hiện cũng đang có một mối quan hệ gia đình rất gắn bó với Việt Nam, ít nhất thì đó cũng là lý do cho bài viết này – muốn nhấn mạnh rằng, có rất nhiều trường hợp đã được quan sát thấy nói lên điều đó, rằng lịch sử dường như – bằng cách nào đó – lặp lại chính nó – và rằng cuộc cách mạng kĩ thuật số lần thứ hai này sẽ thay đổi thế giới chúng ta, sẽ đưa nó lên một tầm cao mới, cao hơn kết quả mà Internet đã làm trong suốt hai thập kỉ vừa qua.

Protocol của Bitcoin là một sự đột phá trong công nghệ, và nó sẽ cho phép rất, rất, rất nhiều những sáng tạo mới được hình thành dựa trên nền tảng công nghệ mới này – một số hiện đã nằm trong các dự án của những nhà phát triển thông minh và hăng say khắp thế giới.

Bitcoin – thậm chí là ngay trong giai đoạn này – là dự án phần mềm mã nguồn mở thành công nhất mà thế giới đã từng thấy – với nguồn nhân lực mạnh nhất, hiệu quả nhất, sáng tạo nhất mà thế giới đã từng thấy. Hàng chục ngàn lập trình viên khắp thế giới đang làm việc, tạo dựng ra một hệ sinh thái mới mỗi ngày; hàng trăm ngàn người khác đang lan truyền tin tức, kiến thức về Bitcoin mỗi ngày… và những con số này sẽ phát triển theo cấp độ lũy thừa trong những năm tháng sắp tới.

Bitcoin là một phát minh, điều đó có nghĩa là nó sẽ không thể bị “undo” – cũng giống như sự phát minh ra Internet cũng không thể bị “undo”. Thần đèn cuối cùng cũng đã chui ra khỏi đèn – và không thể có một cách nào để từ chối hay thậm chí tiêu hủy sự tồn tại của nó ngay bây giờ. Nên câu hỏi duy nhất được đặt ra ngay lúc này là: Liệu bạn sẽ trở thành một người ủng hộ và cùng những người khác tạo ra cuộc thay đổi, hay bạn sẽ lờ đi hay thậm chí chống lại cơn sóng không thể dừng này, cho tới khi thực tại về Bitcoin cuốn trôi bạn đi?

Đúng thế, hình ảnh so sánh này cũng đúng theo một khía cạnh khác, bạn không thể bóp nát Bitcoin. Nếu bạn cố nắm lấy nó, nó sẽ chỉ trôi qua những kẽ tay của bạn, mỗi nỗ lực khiến bạn trông như một tên ngốc.

Điều này đúng với protocol của Bitcoin, chương trình điện toán, đồng tiền tệ, mạng lưới, cộng đồng… tất nhiên bạn cũng vẫn có thể nhắm vào một đơn vị lẻ tẻ nào, vì bất cứ lý do nào bạn muốn nhắm vào họ (tôi sẽ trở lại điểm này sau bên dưới).

Vậy thì, nếu tất cả những điều này là đúng, nói tóm lại Bitcoin là gì và tại sao nó lại quan trọng cho Việt Nam?

Vâng, bài viết này không phải là nơi để giải thích cặn kẽ chi tiết cách vận hành của Bitcoin. Đã có rất nhiều nguồn tin trên Internet và những buổi gặp mặt địa phương đang nhắm tới việc giới thiệu cho mọi người về công nghệ tuyệt vời đang trở nên càng ngày càng phổ biến và thông dụng trên khắp thế giới.

Hơn thế nữa tôi muốn gửi đến bạn, những độc giả thân mến của tôi, trong trường hợp bạn chưa thực hiện, lời kêu gọi khẩn thiết: Hãy dành ra một chút thời gian ngày hôm nay để tìm hiểu về Bitcoin. Tôi hứa với bạn, rằng thời gian bạn bỏ ra hôm nay để tìm hiểu về nó, có thể sẽ là một trong những quyết định sáng suốt nhất bạn từng đưa ra trong đời.

Tôi đang nói chuyện với các bạn dựa trên kinh nghiệm, và tôi chưa từng gặp một người nào – và tôi đã gặp và nói chuyện với hàng trăm người khắp trái đất – những người thật sự đã bỏ công ra tìm hiểu, mà không đang chia sẻ trải nghiệm này! Thêm vào đó: Khi bạn đã bắt đầu hiểu được những vấn đề căn bản, hãy bắt đầu sử dụng nó! Giây phút bạn thực thiện một giao dịch Bitcoin đầu tiên trong đời, bạn sẽ có được cái cảm giác rất, rất hiếm khi xảy ra trong đời, nó như một sự bừng tỉnh bất chợt, một cú sét đánh trong tâm thức.

Thậm chí là ngay bây giờ, sau rất, rất, rất nhiều lần giao dịch Bitcoin, cú sét đánh tâm thức này vẫn liên tục xảy ra không ngừng. Khi tôi gửi cho vợ tôi một khoản Bitcoin nhỏ trị giá 5 đô la băng qua một khoảng cách 10,000km trong nháy mắt, chỉ qua Skype, vợ tôi và cái smartphone và ứng dụng đọc mã QR, điều này chưa bao giờ có thể xảy ra trong lịch sử loài người trước giờ.

Ảnh hưởng phụ tiêu cực của sự bừng tỉnh này cũng khá rõ rệt. Bạn rõ ràng thấy được mỗi ngày rằng cơ chế tài chính ngày nay đã lỗi thời trong công nghệ như thế nào, nó càng ngày càng suy sụp, thiếu hiệu quả và nặng nề. Cơ chế thanh toán thông dụng hiện nay quá chậm chạp, tốn kém, bảo mật kém, đặc biệt là khi bạn “gặp xui” trải nghiệm sự giác ngộ qua phát minh độc đáo của Satoshi Nakamoto. Nhưng thông điệp tốt gửi đến bạn là: Tất cả những thứ này sẽ thay đổi!

Không có cách nào để cho hệ thống thanh toán và tài chính yếu kém hiện tại có thể kháng cự lại sự cạnh tranh của công nghệ mới, được phát minh ra cách đây 5 năm. Nó có thể cần thêm vài năm nữa, nhưng hướng đi của nó thì đã khá rõ ràng.

Như tôi đã thảo luận và giải thích ở trên, Bitcoin và những loại coin khác tiếp bước nó sẽ trở thành tương lai của tiền tệ và thanh toán (và rất nhiều thứ khác), và rằng tại thời điểm này, không có cách nào có thể chặn đứng lại những biến chuyển đang mau chóng diễn ra nữa.

Nếu tất cả những điều này là sự thật, vậy thì mục đích của việc cấm Bitcoin nói chung và cứ nói rằng loại tiền này chỉ được dùng bởi những thành phần phạm pháp, khủng bố, cá độ, rằng nó sẽ gây tổn hại đến kinh tế, tiềm ẩn rủi ro, hay tạo ra một sự xuống dốc trong đạo đức và chịu trách nhiệm cho rất nhiều những nguy cơ không mong muốn khác?

Vâng, câu trả lời quá dễ dàng nếu bạn thật sự hiểu được mức độ ảnh hưởng của Bitcoin: Không có mục đích gì cả.

Như tôi đã nói ở trên, tôi đã gặp và nói chuyện với hàng trăm Bitcoiners suốt năm qua, và nếu những linh cảm và trực giác của tôi đúng, những gì tiêu cực mà báo chí miêu tả về một người dùng Bitcoin thông thường là không chính xác.

Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp được những nhóm người nào rất thông minh, có suy nghĩ sâu sắc, có những góc nhìn toàn diện và một tinh thần hướng đến lý tưởng như những thành viên trong cộng đồng Bitcoin mà tôi đã gặp trong các buổi hội thảo. Người ta đã quá chán ngán cái hệ thống tài chính hiện tại khi nó liên tục cướp đi những đồng tiền mồ hôi nước mắt họ làm ra được bởi những vụ lừa đảo, lạm phát, và tịch thu… Họ đang hứng khởi cùng Bitcoin xây dựng lên một tương lai tốt đẹp hơn cho phần đông loài người. Và vì thế nó rất quan trọng để nhấn mạnh rằng, tác động tích cực của Bitcoin thậm chí sẽ mạnh hơn trong các thị trường chớm nở với một nền công dân chưa có tài khoản ngân hàng, so với các nước đã phát triển. Bitcoin sẽ, cũng như tất cả những phát minh công nghệ quan trọng khác trước nó, giúp cho nhiều tỉ người nghèo khắp thế giới cung cấp một sức sống kinh tế mới cho họ, cái chưa từng được biết đến trước đây trong lịch sử.

Chúng ta có thể rút ra được kết luận gì từ câu chuyện này?

Những quốc gia không thân thiện với Bitcoin rõ ràng sẽ là những quốc gia bị bỏ lại đằng sau, so với những quốc gia cho phép nền kinh tế non trẻ Bitcoin có được cơ hội phát triển và những thành viên, doanh nghiệp trong cộng đồng có cơ hội sáng tạo, làm cho nó càng ngày càng thuận tiện và hiệu quả hơn về mặt kinh tế.

Khoảng thời gian từ 2013 đến 2015 sẽ quyết định, quốc gia nào sẽ là nước tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ này, và quốc gia nào sẽ là những nước “lề mề theo sau” trong việc chấp nhận công nghệ mới này.

Vì thế nó rất quan trọng, rằng các chính phủ và các cơ quan thẩm quyền không nên vội đưa ra những luật lệ cấm đoán, ngăn cản, và giới hạn. Vì điều này sẽ tạo ra hiện tượng chảy máu chất xám, những cá nhân thông minh, sáng tạo sẽ tìm cách bỏ sang một nước khác thoải mái với Bitcoin hơn để làm việc.

Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên, nơi mà những đầu óc thông minh nhất, có kiến thức nhất, sáng tạo nhất phải được nghiêm túc coi trọng bởi mọi đất nước, vì họ chính là thành phần có khả năng cung cấp cho đất nước đó những cơ hội tốt nhất trong thời đại cạnh tranh toàn cầu trong thế giới càng ngày càng được toàn cầu hóa này.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không kể đến thế mạnh của nó trong mức nhân công thấp trong những ngành nghề lao động tay chân so với khu vực, vẫn chưa thể cạnh tranh với những sản phẩm công nghệ cao trên thị trường thế giới và trong những ý tưởng sáng tạo, và startups còn hiếm thấy hơn nữa, trong một đất nước 90 triệu cư dân. Và, mặc dù là điều này có lẽ khó chấp nhận đối với những người có tư tưởng nên kế hoạch hóa mọi thứ từ trung ương, không có cách nào, những kế sách kinh tế trung ương có thể đạt được cùng một kết quả trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt này, so với những cá nhân, doanh nghiệp linh động uyển chuyển, một sự “hỗn loạn sáng tạo”, những công ty startup đẳng cấp thế giới đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ như chúng ta hiện thấy.

Vâng, đúng là đã có những người đã sử dụng Bitcoin cho những hoạt động phi pháp. Nhưng: Đây là một góc nhìn rất phiến diện và cũng phi logic, nếu một người rút ra kết luận: “Bitcoin đã từng được sử dụng cho những hoạt động tội phạm, vì thế tất cả những người dùng Bitcoin đều là tội phạm.”

Việt Nam Đồng, Đô La Mỹ, Yuan Trung Quốc, Euro hay bất cứ loại tiền tệ thông thường nào bạn có thể nghĩ đến cũng đã từng được sử dụng cho vô số những hình thức tội phạm, trốn thuế, mua bán thuốc phiện, mại dâm, tài trợ khủng bố, mỗi ngày. Có phải TẤT CẢ những người dùng những đồng tiền này vì thế đều là tội phạm/thành phần nghiện ngập/khủng bố/môi giới mại dâm không? Đây chính là điều phi logic, đằng sau những phán xét tiêu cực lên những người dùng Bitcoin cho rằng tất cả họ đều là tội phạm hay ít nhất cũng là những người đáng nghi ngờ nói chung.

Tại thời điểm này, cũng cần thiết để xua đi một thành kiến thường được nhắc đến khác với những người rõ ràng là không thật sự hiểu về Bitcoin một cách trọn vẹn: Bitcoin là một phương tiện thanh toán ẩn danh, vô danh (anonymous), không thể lần tra dấu vết và vì thế nó là một phương tiện hoàn hảo cho các hoạt động phạm pháp

Không hề.

Bitcoin là “pseudonymous” (có tính chất giả danh), không phải vô danh (anonymous). Nó có thể được lần tra dấu vết hơn bất kì loại tiền tệ nào khác trước giờ. Thực tế là: Tôi có thể nhìn thấy trực tiếp, real time, trong mạng lưới sổ cái công cộng, tiền đang chạy từ đâu đến đâu, điều này hoàn toàn trái ngược với định nghĩa “untracable” (bất khả truy).

Vì thế, nếu tôi muốn thực hiện một phi vụ trái phép, khủng bố hay đơn giản chỉ là trả tiền cho gái mại dâm, và không muốn bất kì một ai có thể phát hiện ra, tốt hơn là tôi nên dùng tiền mặt, nó mới đích thị là bất khả truy và ẩn danh hơn nhiều so với Bitcoin.

Và đúng, nó có thể cũng đúng, rằng Bitcoin mở ra một số cơ hội mới cho tội phạm, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho tất cả những người khác!

Rất nhiều băng nhóm trộm cướp trên những con đường Sài Gòn sử dụng “sự phát minh ra xe máy” như một phương tiện cho các hoạt động của chúng, bằng cách phóng nhanh vượt ẩu luồn lách khỏi hiện trường với những “cỗ máy cho phép phạm tội” thay vì chạy bộ bằng chân. Nhưng có lẽ ngoài bọn trộm cướp ra thì tất cả những người còn lại cũng được hưởng lợi từ sự phát minh ra xe máy này. Tôi nghĩ rằng một người có thể chắc chắn nói, nền kinh tế Việt Nam sẽ yếu hơn gấp trăm lần nếu xe máy bị cấm và xử lý.

Thật quan trọng phải nói rằng chúng ta không nên chỉ tập trung vào những mặt tiêu cực của một phát minh, mà còn phải biết nhìn vào những mặt tích cực của nó, điều này có thể thực hiện được bằng cách đón nhận nó như một công nghệ mới.

Trong những tuần lễ qua, lần đầu tiên tôi có thể nhớ được rằng, một lập trình viên người Việt đã nổi danh như cồn khắp thế giới với trò chơi Flappy Bird, một thành công vang dội quá bất ngờ trong thị trường đang bùng bổ cho game mobile trên thế giới. Mặc dù là bản thân tôi có thói quen theo dõi sát sao tình hình tin tức về công nghệ ở Việt Nam, thật sự tôi không thể nhớ được, rằng một sản phẩm Việt Nam từng bao giờ trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Đây không phải là những dòng tít chúng ta muốn thấy về Việt Nam hay sao? Rằng những người sáng tạo Việt Nam, những doanh nhân, những lập trình viên Việt Nam có đủ khả năng để cạnh tranh với thị trường thế giới trong bất cứ ngành nghề nào họ chọn hoạt động? Rằng những công ty startups Việt Nam sẽ nhờ vào những sáng tạo trong công nghệ để mang lại việc làm, cơ hội, tài sản, sáng tạo và một tiêu chuẩn sống cao hơn cho nước nhà?

Vì thế, tôi muốn gửi đến Việt Nam một lời kêu gọi dứt khoát: Hãy để cho nền kinh tế Bitcoin sinh sôi nảy nở trong nước các bạn. Xử lý và kết án bọn tội phạm, những ai lạm dụng công nghệ này. Nhưng đừng kết án những người sẵn sàng sử dụng công nghệ này cho những mục đích tốt đẹp nhất. Hãy để cho các doanh nhân một cơ hội bằng cách chấp nhận công nghệ này, hãy để cho các nhà phát triển nới rộng sự tiện lợi của nó, và cho đất nước các bạn một cơ hội để bắt kịp với sự thay đổi chóng mặt của thế giới được gây ra bởi Bitcoin và tất cả những sáng tạo khác bắt nguồn từ nó.

Bitcoin không phải là đồng tiền của tội phạm. Bitcoin là đồng tiền của mọi người!